Những ngày này, thị trường sầu riêng đang diễn ra nghịch lý, số lượng hàng hóa trong dân còn rất nhiều, mất giá, nhưng tại các đại lý, sạp trái cây bán lẻ lại thiếu, có mức cao ngất ngưởng, thậm chí cao gấp đôi, gấp ba so với giá đầu vào. Nguyên nhân tại COVID-19, nhà vườn phụ thuộc thương lái thu mua, cước phí vận chuyển, nhưng cũng còn lý do khác do chất lượng sản phẩm, thiếu liên kết tiêu thụ…
Giá cả sầu riêng đang bán trên thị trường nơi cao, nơi thấp tùy thuộc vào đơn vị thu mua, vùng sản xuất sầu riêng, chất lượng sản phẩm… Ảnh: P.T
Giá giảm và khó tiêu thụ
Hiện nay, người nông dân ở tỉnh Đắk Nông đang bước vào vụ thu hoạch sầu riêng. Các loại sầu riêng được trồng chủ yếu là sầu riêng hạt truyền thống, sầu riêng Ri6, sầu riêng Moonthong Thái…
Do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên tâm lý người dân cứ có sầu riêng già là cắt đi bán chứ không dám chờ lâu vì thị trường đã bị thu hẹp. Bởi hầu hết người dân không có kho đông lạnh, không có cách nào bảo quản được sản phẩm.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Tuy Đức, Đắk Nông đang có khoảng 300ha sầu riêng bước vào vụ thu hoạch với sản lượng ước tính 435 tấn.
Chia sẻ về cây sầu riêng, một cán bộ ngành Nông nghiệp huyện Tuy Đức cho biết, các loại sầu riêng hạt, sầu riêng Ri6, sầu riêng Moonthong Thái… đều đã giảm giá mạnh và sức tiêu thụ không lớn như mọi năm.
“Sầu riêng không phải là mặt hàng thiết yếu, ăn cũng được không ăn cũng chẳng sao. Cho nên, trong hoàn cảnh dịch bệnh khó khăn như thế này thì người dân sẽ tiết kiệm chi tiêu, hơn nữa việc lưu thông hàng hóa cũng không thuận lợi. Cho nên các mặt hàng không thiết yếu như sầu riêng, bơ bị rớt giá và khó bán trên thị trường cũng là điều tất yếu”- vị cán bộ này phân tích.
Anh Mai Văn Yên, một hộ sản xuất sầu riêng quy mô lớn ở huyện Tuy Đức cho biết, vườn sầu riêng Moonthong Thái của gia đình năm nay ước tính thu về hơn 100 tấn. Do vườn cây của gia đình có quy mô lớn, sản lượng ổn định nên việc vấn đề đầu ra dễ dàng hơn những vườn sầu riêng nhỏ lẻ do thương lái tiết kiệm được nhiều chi phí, không trải qua nhiều khâu trung gian.
Hiện nay, gia đình anh Yên đã chốt bán cho các thương lái với giá tốt 45.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mức thu nhập này đã giảm đi 10% so với mọi năm. Theo anh Yên, các vườn sầu riêng Moonthong Thái nhỏ lẻ trong vùng đang được các thương lái thu mua với mức giá dao động từ 30.000-35.000 đồng/kg, thấp hơn 30-40% so với mọi năm.
Anh Huỳnh Nhật Trường, một hộ dân ở huyện Đắk R’lấp vừa cắt bán hơn 5 tấn sầu riêng Ri6 và Moonthong Thái. Anh Trường cho biết, đối với sầu riêng Ri6 thì giá cả giảm mạnh từ 40.000-50.000 đồng năm trước nay chỉ còn 20.000-25.000 đồng/kg. Đối với sầu riêng Moonthong cũng đã giảm khoảng 30-40% so với mọi năm, nay thương lái ở địa phương thu mua với giá 30.000-35.000 đồng/kg.
Trao đổi về giá cả sầu riêng, ông Cao Đức Nguyên – Phó Phòng NNPTNT huyện Đắk Mil – cho biết, người dân nơi đây đang bước vào vụ thu hoạch sầu riêng hạt (giống sầu riêng địa phương) với diện tích hơn 300ha.
Tuy nhiên, giá sầu riêng hạt cũng đã giảm xuống khoảng 50% so với năm ngoái. Năm trước sầu riêng hạt có giá bán 20.000-25.000 đồng/kg nay chỉ còn khoảng từ 10.000 – 12.000 đồng/kg. Trong thời kỳ dịch bệnh thì xe cộ vận chuyển đi các tỉnh phía Nam, phía Bắc gặp nhiều khó khăn nên đầu ra của sầu riêng cũng bị hạn chế.
Đầu vào thấp đầu ra cao
Theo ông Nguyễn Xuân Thọ, chủ một đại lý thu mua sầu riêng tại huyện Đắk Mil, hiện nay sầu riêng vẫn đang tiêu thụ được. Thế nhưng, giá cước vận chuyển “đội” lên rất cao. Do đó, đại lý như ông buộc phải giảm giá thu mua trong nhân dân để tránh thua lỗ.
Hiện nay, ngày nào trong kho đông lạnh của gia đình cũng trữ đầy 50 tấn sầu riêng múi (tương đương cả nghìn tấn sầu riêng trái). Giá đầu vào gia đình tôi đang thu mua ở địa phương khá thấp, sầu riêng truyền thống chỉ 5.000 -12.000 đồng/kg; sầu riêng Ri6 giảm xuống còn 17.000-20.000 đồng/kg; sầu riêng Moonthong Thái còn khoảng 30.000-32.000 đồng/kg.
Thế nhưng, ghi nhận tại các chợ trên địa bàn Thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), chợ Gia Nghĩa (Đắk Nông) thì giá sầu riêng mà các cửa hàng, sạp trái cây vẫn bán 45.000 – 60.000 đồng/kg sầu riêng Ri6 và Moonthong Thái. Mức giá này cao gấp đôi so với giá thương lái thu mua tại vườn người dân.
Lý giải về việc giá sầu riêng bán lẻ trên thị trường cao chị Đinh Thị Phương – một thương lái thu mua trái cây lớn ở tỉnh Đắk Nông – phân tích, việc giá bán lẻ sầu riêng cao là điều dễ hiểu. Bởi chúng tôi là đơn vị thu mua trực tiếp trong nhân dân. Khi thu mua, hầu hết chúng tôi chỉ thu trái sầu riêng xanh già nên khi trái sầu riêng chín sẽ giảm trọng lượng, thiệt hại mất 5.000 đồng/kg.
Mặt khác, sau khi loại bỏ các quả hư chúng tôi sẽ vận chuyển bỏ hàng cho các đại lý tiêu thụ và sẽ tính thêm chi phí vận chuyển, công cán… Khi sầu riêng về đến các đại lý bán lẻ sẽ tính toán chi phí mặt bằng, nhân công, tiền ship hàng.
“Trong mùa dịch từ việc đi lại thu mua sầu riêng, cước vận chuyển… đều gặp nhiều khó khăn. Do đó, giá bán lẻ sầu riêng Moonthong Thái, sầu riêng Ri6, sầu riêng hạt truyền thống cao gấp đôi, gấp ba thời điểm thương lái mua từ vườn dân là hết sức bình thường. Mặc dù giá sầu riêng trên thị trường vẫn cao nhưng lợi nhuận này không nằm nhiều trong tay người sản xuất”-chị Phương khẳng định.
Theo cơ quan chức năng, bên cạnh một số diện tích đã được thu hoạch xong, toàn tỉnh Đắk Nông ước tính còn khoảng 12.000-14.000 tấn sầu riêng đang bước vào thời kỳ thu hoạch.
Hiện nay, các địa phương đang rà soát, khảo sát số lượng cụ thể để liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm trong bối cảnh thị trường tiêu thụ bị thu hẹp bởi dịch COVID-19. Còn về mặt giá cả biến động nơi cao, nơi thấp tùy thuộc vào từng thương lái thu mua; chất lượng, số lượng sầu riêng; đầu ra cho sản phẩm…
Nguồn Báo Lao Động : https://laodong.vn/kinh-te/nghich-ly-sau-rieng-rot-gia-tai-vuon-dat-do-o-cho-940380.ldo
0 Comments
Post a Comment