Đà Nẵng thực hiện cách biện pháp phòng dịch cấp bách, “ai ở yên đó” nên người dân bây giờ từ việc đi chợ, mua thuốc cho đến nhà hết gạo, thiếu sữa cho con… đều gọi tên ông/bà tổ trưởng. Họ trở thành những người shipper, đi chợ giúp cho cả trăm hộ dân.

Ông tổ trưởng Mai Thanh (ngoài cùng bên trái ảnh) đi chợ cho cả trăm nhà. Ảnh: TT

“Đi đêm về hôm” lo những bữa cơm

Buổi sáng tại tổ 70, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng – một trong những nơi đã cách ly y tế “dài hạn” vì số ca mắc vẫn còn, thường bắt đầu bằng lời nhắc gọi của ông Mai Thanh – Tổ trưởng tổ dân phố. Hôm nay mọi người đi xét nghiệm lúc mấy giờ, thực phẩm đi chợ sẽ về lúc nào, ai có nhu cầu mua thêm thịt hay rau gì nhắn qua điện thoại…. thông báo hết một lượt, ông Thanh lại chạy lên chốt gác cho kịp giờ.

“Cứ 3 ngày thì tôi có lịch trực ở chốt, còn lại thời gian là giúp cả 100 hộ đi chợ, mua bó rau, miếng thịt ngon cho bà con chứ cách ly dài hạn, họ la làng thì mình cũng khổ” – ông Thanh cười nói.

Từ khi dịch bệnh ập đến, từ những ông tổ trưởng “ít việc” – như họ tự nhận – nay trở thành những người đầy “quyền lực”.

Ông Thanh (ảnh trên) và tổ hậu cần chia thực phẩm cho bà con

Nói quyền lực là bởi, chỉ có mỗi ông/bà tổ trưởng mới có thẻ, được di chuyển trong khu vực phường. “Hôm thì đi mua thuốc cho mấy người lớn tuổi bị huyết áp, họ không đi khám định kỳ được mà thuốc này quan trọng, tôi phải tìm cả phường mới có 1 hay 2 quầy được mở bán. Rồi đi tìm chỗ mua gạo, mua thực phẩm… chứ không họ nhắn tin gọi đêm ngày” – ông Thanh kể.

Chính vì vậy, ai ở đâu ở yên đó còn ông Thanh và nhiều tổ trưởng dân phố khác lại chẳng ở yên tại nhà giây phút nào.

Chị Minh Tâm, một người dân trong tổ 70 kể: “Có lần tôi thấy sáng sớm, ông Thanh đã đi gọi từng nhà hỏi có ai mua thịt không, thịt hôm nay ngon lắm. Khi hỏi ra mới biết ông ấy đợi từ 4h sáng ở chợ lưu động để nộp đơn hàng, mua giúp cho bà con để có miếng thịt tươi ăn. Trước hôm đó, ông Thanh cũng đợi tận 10h đêm để chờ hàng rau củ quả về, mà phải xem có ngon không mới đem về cho mọi người. Nhờ vậy mà cả tổ không thiếu thực phẩm dù cách ly hơn 14 ngày rồi”.

Dễ tiếp xúc dịch, bị “mắng vốn” vẫn phải làm vì bà con

Chẳng ai biết những chuyện ông Thanh và những người trong tổ COVID, hậu cần của tổ dân phố đã phải đi đêm về hôm để lo cho bà con như thế. Vậy nên, trên nhóm thông tin, nhóm chat của tổ đa phần là lời kêu ca, phàn nàn sao chưa có thực phẩm, sao đi chợ không được. Nhiều hộ dân biết chuyện đã lên tiếng đề nghị các hộ khác không trách mắng tổ hậu cần vì đang dịch dã, họ đi lại cũng nguy hiểm nhưng vì bà con mà họ phải đi làm nhiệm vụ đó.

“Có lúc anh em mệt quá, cáu lên cũng muốn nghỉ nhưng nghĩ lại, mình bỏ thì ai làm, rồi cũng bà con hàng xóm mình chứ ai. Họ không có thực phẩm để dùng, nghĩ sao cũng không được, nên vẫn phải làm tiếp” – ông Thanh chia sẻ.

Những người tổ trưởng không “ở yên” lo cho dân

Làm dâu trăm họ theo đúng nghĩa khi phải đi chợ cả gần 100 hộ dân, có người không ưng ý gì thì góp ý nhưng có người giữa trưa, giữa đêm cũng gọi ông tổ trưởng mắng vốn.

Thế nhưng bỏ qua những lời trách móc đó, mỗi ngày ông Thanh cùng tổ hậu cần đều tìm mọi cách làm sao để có chỗ mua được gạo ổn định, các cháu nhỏ mua được sữa.

Trong lúc chờ đi chợ được, ông Thanh liên hệ với nhóm từ thiện ở bên ngoài xin suất thực phẩm hỗ trợ. Ngày lên nhận hàng, ông Thanh thuê thêm xe bò, tự tay chất từng túi hàng mang về chia không sót hộ nào.

Ngày lấy xét nghiệm , ông phải đi 3 lượt để gọi gần 100 hộ đi đúng giờ. “Có người đi sớm, đi trễ rồi y tế họ cũng bận. Thấy vắng người là tôi lại đi xuống tổ gọi để người dân lên lấy xét nghiệm” – ông Thanh kể.

Hỏi thật ông Thanh về việc làm thế này có được hỗ trợ gì không, ông Thanh cho hay chưa nghe thấy gì cả, chỉ biết làm vì là nhiệm vụ được giao thôi. Khối Lộc Phước có gửi ông và mấy người hậu cần 100.000 đồng tiền xăng xe và điện thoại. Nhưng từ hôm dịch giờ đã đổ 150.000 tiền xăng rồi, tiền điện thoại thì chưa biết.

“Làm cái này, miễn sao người dân không la làng, không bị đói là vui rồi. Bình thường thấy ông tổ trưởng họ chán lắm, không ưng gặp vì toàn là họp với thu tiền. Vậy mà giờ cứ gặp ông tổ trưởng là được có thực phẩm, có tiền nữa, tôi thấy mình cũng được nhiều người thương” – ông Thanh cười hiền.

Nguồn Báo Lao Động : https://laodong.vn/ban-doc/khi-to-truong-to-dan-pho-thanh-shipper-di-cho-cho-ca-tram-nha-943618.ldo