Hồ chứa Thủy Yên (huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế) dung tích 8 triệu m3 nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, kết hợp cấp nước sinh hoạt, dịch vụ du lịch, công nghiệp. Tuy nhiên, qua hơn 10 năm, công trình chỉ làm nhiệm vụ tưới cho hơn trăm ha lúa mỗi vụ mà không cấp nước sinh hoạt.

Sông Thừa Lưu chứa đầy rác thải, trong khi nguồn nước của con sông nhỏ này lại dùng cấp cho Nhà máy nước Chân Mây

Mới đây, người dân vùng Chân Mây – Lăng Cô (thuộc huyện Phú Lộc) đã có khiếu nại, đòi Cty CP Cấp nước TT-Huế (HueWaco) bồi thường do trải qua nhiều ngày sử dụng nguồn nước sinh hoạt nhiễm bẩn. Trước đó, vào cuối tháng 7/2021, tại nhiều khu vực thuộc các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến (huyện Phú Lộc) xảy ra tình trạng nước máy phục vụ sinh hoạt hàng ngày do HueWaco cung cấp bị nhiễm bẩn, có màu đục, đen chứa nhiều lắng cặn. Tình trạng này kéo dài nhiều ngày sau đó. Sự cố nước nhiễm bẩn đã ảnh hưởng đến khoảng 5 vạn dân tại khu vực Chân Mây – Lăng Cô.

Từ sự cố nước bẩn ở vùng Chân Mây – Lăng Cô, người dân càng thêm lo lắng khi hệ thống thu nước thô để xử lý tại Nhà máy nước Chân Mây thành nước thương phẩm cung cấp cho người dân lại được lấy từ sông Thừa Lưu (xã Lộc Tiến). Người dân cho rằng, nguồn nước sông Thừa Lưu không bảo đảm an toàn cho cấp nước sinh hoạt vì nhiễm nhiều rác thải tù đọng, gần mỏ đá và các cánh đồng ruộng chịu tác động bởi nhiều chất độc hại từ nổ mìn phá đá và phun thuốc trừ sâu…

Theo giải thích từ HueWaco, tình trạng xuống cấp, mục rữa phần đáy bê tông của 1 trong 5 bể lọc thuộc Nhà máy nước Chân Mây gây mất liên kết với phần đan lọc inox. Do đó, phần bông cặn chưa được lọc xâm nhập vào bể chứa qua chỗ hỏng, sau đó theo đường ống chảy đến nhiều nơi. Phần hỏng hóc nằm ở dưới đáy bể lọc với độ sâu 2m, nên rất khó phát hiện, dẫn đến sự cố đáng tiếc ảnh hưởng cấp nước của nhiều hộ dân. HueWaco cũng cho biết, sở dĩ doanh nghiệp phải sử dụng thêm nguồn nước sông Thừa Lưu là do tình trạng biến đổi khí hậu làm chất lượng nguồn nước suy giảm, không đủ lưu lượng cung cấp cho nhà máy từ các nguồn sông suối khác.

Tiếp xúc mới đây với người dân và cơ quan chức năng các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, ông Trương Công Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HueWaco, gửi lời xin lỗi đến khách hàng; đồng thời hứa sẽ giảm 40% tiền nước trên chu kỳ hóa đơn tiền nước 2 tháng cho các hộ khách hàng sau sự cố nước nhiễm bẩn. Phía người dân cho rằng, HueWaco cần xử lý bồi thường theo hợp đồng, bồi thường tổn hại sức khỏe cho bà con và phải chấm dứt việc lấy nước sông Thừa Lưu để sản xuất nước sinh hoạt.

Hồ chứa 8 triệu m3 chỉ để tưới cho 140 ha lúa

Trong khi hoạt động cấp nước của HueWaco tại vùng kinh tế trọng điểm Chân Mây – Lăng Cô của tỉnh TT-Huế cho thấy sự thiếu ổn định, bền vững do thường xuyên hụt nguồn cung tự nhiên trong 2 năm lại đây, thì một công trình hồ chứa có giá trị đầu tư khoảng 654 tỷ đồng, dung tích 8 triệu m3 nước là hồ Thủy Yên (xã Lộc Thủy) hiện chỉ tưới cho vài trăm ha lúa (riêng vụ hè thu là 140ha).

Để đảm bảo cấp nước an toàn, bền vững cho khu vực Chân Mây – Lăng Cô, theo HueWaco, đơn vị sẽ điều chỉnh bổ sung quy hoạch xây dựng nhà máy cấp nước công suất 12.500m3/ngày đêm từ hồ Thủy Yên. Trước mắt, HueWaco cho lắp đặt công trình cấp nước khẩn cấp, dã chiến lấy nước hồ Thủy Yên trong 45 ngày, với công suất 2.500m3/ngày đêm, để “giải khát” cho những hộ dân vừa gặp sự cố nước bẩn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, thời điểm khởi công dự án hồ chứa Thủy Yên năm 2010, mục tiêu đặt ra về khai thác công trình này ngoài phục vụ tưới ổn định cho đất lúa và hoa màu, hồ chứa còn cấp nước công suất 25 nghìn m3/ngày đêm cho Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô. Từ sau năm 2020, công trình tăng công suất cung cấp nước cho Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô lên 75 nghìn đến 86 nghìn m3/ngày đêm. Tuy nhiên, mục tiêu đó đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy. Qua hơn 10 năm, hệ thống “cửa chờ” kỹ thuật (vòng ống D600) cấp nước sinh hoạt từ hồ Thủy Yên vẫn ở… chế độ chờ.

Nguồn Báo Tiền Phong : https://tienphong.vn/ho-chua-8-trieu-m3-dan-van-phai-dung-nuoc-ban-post1364927.tpo