Theo Bộ Công Thương, hàng triệu tấn nông sản tại các tỉnh phía Nam đang gặp khó khăn về đầu ra. Trong đó có 3,7 triệu tấn rau củ, hơn 4 triệu tấn trái cây, 120.000 tấn hải sản…
Ngày 6/8, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trực tuyến về kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Diên cho biết hiện nay lượng hàng nông sản, thủy sản và sản phẩm chăn nuôi cần hỗ trợ tiêu thụ của các tỉnh khu vực Nam Bộ, Tây Nguyên khá lớn.
Theo thống kê, có gần 5 triệu tấn lúa, 3,7 triệu tấn rau củ, hơn 4 triệu tấn trái cây, 120.000 tấn hải sản, 600.000 tấn thịt gà, 400 triệu quả trứng và hàng chục nghìn tấn gia súc, gia cầm… với giá trị lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng đang rất cần được hỗ trợ tiêu thụ.
Khoảng 120.000 tấn hải sản đang cần được hỗ trợ tiêu thụ. Ảnh: Phạm Ngôn.
Tiêu thụ trong nước là quan trọng nhất
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, việc đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, sản xuất do dịch bệnh gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm tươi và sản phẩm chế biến.
Hơn nữa khâu lưu thông, vận chuyển hàng hóa dù đã áp dụng nhiều giải pháp song vì các tỉnh áp dụng quy định khác nhau cũng khiến hàng nông sản, thủy sản, sản phẩm chăn nuôi tươi sống khó tiêu thụ. Việc thu mua, giao thương trực tiếp trong bối cảnh thực hiện Chỉ thị 16 cũng cũng khó khăn khiến chất lượng giảm, chi phí tăng cao.
Theo người đứng đầu ngành công thương, hiện nay cần đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, xác định tiêu thụ tại thị trường này là quan trọng nhất để tiêu thụ nông, thủy trong thời điểm này.
Ông Diên nhấn mạnh sẽ huy động các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, sở ban ngành làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá tiêu thụ sản phẩm từ kênh truyền thống đến hiện đại. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số để giới thiệu quảng bá sản phẩm ra thị trường ngoài nước vừa đẩy mạnh tiêu thụ thị trường truyền thống vừa mở rộng thị trường mới.
Nhiều tỉnh phía Nam và Tây Nguyên đã đến vụ thu hoạch nhiều loại nông sản nhưng gặp khó trong khâu vận chuyển, tiêu thụ. Ảnh: Hoàng Hà.
Lãnh đạo Bộ Công Thương lưu ý cần đa dạng thị trường để không lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường. “Bộ sẽ huy động các hệ thống tham tán thương mại ngoài nước để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.
Ông Nguyễn Minh Lâm, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết phần lớn nông sản của tỉnh cung cấp cho thị trường TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên hiện nay, do các chợ đầu mối và chợ truyền thống bị đóng cửa làm ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thụ.
“Một số mặt hàng như thanh long, vải, nhãn chanh, rau củ quả cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu qua Trung Quốc, Campuchia”, ông nói.
Không được đặt quy định riêng gây cản trở lưu thông hàng hóa
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Vina T&T – đơn vị xuất khẩu trái cây sang Mỹ, Canada, Hàn Quốc… cũng cho biết hiện nay những vùng nguyên liệu của công ty đều đang gặp khó khăn vì bị phong tỏa, giãn cách xã hội đồng thời thiếu hụt lượng lao động thu hoạch rất lớn.
“Đặc biệt, thời gian làm việc của doanh nghiệp chỉ còn từ 6h đến 18h, thay vì khoảng 3-24h như trước kia khiến sản lượng nông sản sụt giảm 20-30% công suất”, ông nói và đề nghị các tỉnh cho phép đội ngũ thu hoạch hoạt động dài hơn.
Ngoài ra, ông thông tin hiện nay một số bà con nông dân đang rất hoang mang vì không biết dịch bệnh kéo dài trong bao lâu để tiếp tục gieo trồng, sản xuất. “Tâm lý người nông dân lúc này đều không muốn chăm sóc cây trồng điều đó sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt lượng hàng chất lượng cao để xuất khẩu”, ông chia sẻ.
Công tác chống dịch áp dụng các quy định không giống nhau, làm cản trở quá trình lưu thông hàng hóa. Ảnh: Đức Anh.
Bên cạnh đó, ông Tùng cho biết nguy cơ các hãng tàu thời gian tới cũng sẽ hạn chế vận chuyển rau, củ quả bằng kho lạnh. “Tôi kiến nghị Bộ Công Thương kết hợp sở ban ngành làm việc với hãng tàu để ưu tiên vận chuyển mặt hàng đông lạnh, tăng lượng hàng xuất khẩu và giảm bớt tiền điện cho đơn vị dự trữ hàng hóa, dự trữ kho lạnh”, ông nói.
Các địa phương dứt khoát không được đặt quy định riêng gây cản trở lưu thông hàng hóa, đặc biệt là nông sản.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên.
Về vấn đề lưu thông hàng hóa giữa các địa phương gặp khó khăn do công tác chống dịch áp dụng các quy định không giống nhau, làm cản trở quá trình lưu thông, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: “Các địa phương dứt khoát không được đặt quy định riêng gây cản trở lưu thông hàng hóa, đặc biệt là nông sản”.
Ngoài ra, ông cũng đề nghị các địa phương, bằng mọi cách phải duy trì được hoạt động của các chợ đầu mối, chợ truyền thống và siêu thị, cửa hàng tiện ích vì đây là hệ thống thiết yếu trong chuỗi cung ứng, đóng vai trò phục vụ đời sống nhân dân.
Bộ trưởng đề nghị cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, nắm chắc số lượng nông sản cần tiêu thụ, có giải pháp kết nối tiêu thụ tại chỗ, số lượng còn lại thì phối hợp các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp ngành hàng để được tư vấn, tổ chức tiêu thụ khẩn cấp.
Thanh Thương
Nguồn Zing News : https://zingnews.vn/hang-trieu-tan-nong-san-cua-cac-tinh-nam-bo-tay-nguyen-can-tieu-thu-post1248110.html
0 Comments
Post a Comment