Xây dựng quy chế phối hợp giữa các sở, ngành trong thẩm định đầu tư là yêu cầu cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả dự án và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.
Ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-nhận định: Những năm qua, công tác phối hợp trong thẩm định hồ sơ và theo dõi, quản lý các dự án của các ngành, địa phương còn bộc lộ một số hạn chế như: việc tham gia ý kiến thẩm định của một số đơn vị còn chậm; chất lượng tham gia thẩm định chưa thể hiện rõ quan điểm
Trách nhiệm của từng sở, ngành và quản lý dự án chưa cao. Nguyên nhân là do cơ chế chính sách, quy định của pháp luật còn chồng chéo, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, sự phối hợp trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ giữa một số ngành chưa chặt chẽ. Do vậy, việc phối hợp thẩm định dự án là nhằm xác định sự phù hợp giữa dự án với mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương và của tỉnh.
Việc phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành trong công tác thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư là vô cùng cần thiết. Ảnh: Kim Linh
Một dự án có giá trị phải đảm bảo các yêu cầu: tính pháp lý, tính hợp lý, tính thực tiễn và hiệu quả. Để lựa chọn những dự án tốt thì các sở, ngành phải thẩm định để có căn cứ chỉnh sửa hoặc bổ sung hồ sơ. Đồng thời, chỉ ra những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai để nhà đầu tư có giải pháp nhằm triển khai hiệu quả nhất.
“Vì vậy, các sở, ngành liên quan sẽ tổ chức ký kết quy chế phối hợp nhằm tăng cường phối hợp trong thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi họp thành viên UBND tỉnh ngày 22-6 vừa qua”-ông Hòa cho biết.
Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26-3-2021 của Chính phủ; đồng thời, xem xét sự phù hợp đối với ý kiến thẩm định của từng sở, ngành làm cơ sở đề xuất UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tại báo cáo thẩm định (đủ điều kiện hay không đủ điều kiện trình UBND tỉnh).
Bên cạnh đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả thẩm định. Trong quá trình tổng hợp, nếu có ý kiến chưa thống nhất giữa các sở, ngành thì Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức cuộc họp để làm rõ các nội dung trước khi trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho hay: “Nhiệm vụ của Sở Công thương trong việc thẩm định dự án là đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch ngành, quy mô so với tiêu chuẩn hiện hành; rà soát, xác định diện tích triển khai dự án có trùng lắp với các dự án về năng lượng, công nghiệp đang khảo sát, lập quy hoạch và đã triển khai hay không.
Nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành liên quan thì vấn đề phát sinh hoặc phát hiện ra những điểm chưa hợp lý khi kiểm tra hồ sơ dự án, từ đó đề xuất cách tháo gỡ, xử lý một cách nhanh chóng”.
Thi công Dự án Nhà máy điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1. Ảnh: Kim Linh
Ngoài ra, để nhận dạng một dự án kém hiệu quả rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành cùng với nhà đầu tư chủ động có những biện pháp kiểm soát rủi ro, hạn chế thấp nhất những thiệt hại cho dự án.
“Khi đã ký kết quy chế phối hợp, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các sở, ngành khi tham gia thẩm định sẽ phải có đầy đủ ý kiến các nội dung theo đề nghị của cơ quan chủ trì; đồng thời, nêu cơ sở pháp lý và thể hiện rõ chính kiến về nội dung tham gia.
Quá thời hạn quy định mà đơn vị không có ý kiến thì được coi là đã đồng ý với nội dung thuộc phạm vi quản lý của cơ quan đó theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 6 Nghị định số 31; đồng thời, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về nội dung liên quan đến dự án thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình”-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm.
Nguồn Báo Gia Lai : https://baogialai.com.vn/channel/8209/202108/phoi-hop-trong-tham-dinh-dau-tu-thuc-day-va-nang-cao-hieu-qua-du-an-5747450/
0 Comments
Post a Comment