Dự án tái định cư thôn Đăk Đoát, xã Đăk Pék được đầu tư trên 30 tỷ đồng, nhưng 10 năm qua, dự án vẫn chưa phát huy hiệu quả.
Nhận được phản ánh của người dân PV đã trở lại khu tái định cư, từ QL 14 rẽ vào đi qua UBND xã Đắk Pék vài trăm mét PV đã tận mắt thấy cảnh hoang tàn, im lặng đến không ngờ ở một nơi mà các cấp chính quyền nơi đây dự đoán là sạch sẽ, đủ công năng và quy hoạch…
Xuống cấp
Từng mái nhà bị dỡ hết mái tôn, sân để người dân hoạt động vu chơi, trụ bơm nước bị vỡ tan, đường sá nội bộ xuống cấp cỏ mọc um tùm.
Dự án này được triển khai từ năm 2010, nhằm ổn định đời sống của người dân bị thiệt hại do lũ và di dời 1.064 nhân khẩu (268 hộ) là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở những nơi có nhiều nguy cơ bị lũ lụt, sạt lở chuyển đến nơi tái định cư mới.
Từ đó, UBND huyện Đăk Glei triển khai thực hiện bố trí, sắp xếp di dời và tái định cư tại 5 điểm dân cư và các công trình hạ tầng khu tái định cư theo dự án với tổng mức đầu tư trên 145 tỷ đồng.
Trong đó, có điểm tái định cư thôn Đăk Đoát (xã Đăk Pék, H. Đăk Glei) chuyển về thôn Măng Rao, quy mô được quy hoạch tái định cư với diện tích 5 ha để bố trí cho 87 hộ đều là đồng bào DTTS, với tổng mức đầu tư theo dự án được phê duyệt là 32 tỷ 632 triệu đồng. Vị trí bố trí điểm tái định cư tại thôn Măng Rao, chỉ cách trụ sở UBND xã Đăk Pék vài trăm mét.
Tất cả các căn nhà trong khu tái định cư vắng bóng người từ khi xây dựng xong đưa vào sử dụng
Thế nhưng, từ khi dự án hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng thì khu tái định cư này vẫn bị bỏ hoang, các công trình xuống cấp nghiêm trọng. Những ngôi nhà tái định cư ở thôn Măng Rao giờ không còn sử dụng được, hầu hết không còn cửa và mái che. Bồn chứa nước tự chảy bị đập phá móp méo, hư hỏng, mất mát; ống dẫn nước hoen rỉ, bị cưa; khu tái định cư không có người sinh sống nên cỏ mọc um tùm; nhiều ngôi nhà giờ biến thành chuồng bò của các hộ dân lân cận; đường bê-tông nông thôn được một số người dân dùng làm nơi phơi cây cu li.
Anh A Vinh thôn Măng Rao một người vừa làm vườn vừa chăn bò gần đây (người thường xuyên đi qua khu Tái định cư cho biết: “Khu này họ xây từ lâu rồi, năm 2013, 2014 thì phải, từ đó đến nay tôi không thấy có một số nhà đến ở nhưng giờ đã chuyển đi hết rồi, lâu lâu trẻ em chăn bò hay vào trú mưa, núp cho khỏi nắng thôi. Hiện tại nhiều người dân chưa có nhà xây để ở nhưng họ cũng không đến đây ”…
Theo ông A Mrát, trưởng thôn Đăk Đoát chia sẻ: “Ngay từ lúc đầu khi tổ chức họp lấy ý kiến tại địa bàn người dân đã không đồng ý xây dựng khu tái định cư ở thôn Măng Rao và đề nghị chọn khu vực đồi Đăk Bang ở trong thôn Đăk Đoát để đi làm rẫy cho gần. Nhưng chính quyền huyện không thống nhất mà chọn địa điểm tại thôn Măng Rao “.
Khu tái định cư xa rẫy của bà con
Khi khu tái định cư mới hoàn thành, chỉ có khoảng hơn 10 hộ dân thuộc diện di dời chuyển về ở nơi khu tái định cư mới. Tuy nhiên, nguồn nước sinh hoạt ở nơi đây bị ô nhiễm, do người dân chăn thả gia súc trên thượng nguồn, một số hộ ở cuối đường ống không có nước sinh hoạt và một số hộ không có điện thắp sáng. Để có nước sinh hoạt, một số hộ gia đình đã vay mượn, có nhiều hộ phải đầu tư 20 triệu đồng để làm công trình phụ và đào giếng nước sinh hoạt nhưng vẫn không có nước để phục vụ cuộc sống.
Vị trí khu tái định cư thôn Măng Rao cách xa thôn Đăk Đoát khoảng gần 8 cây số nên người dân đi làm rẫy khó khăn. Do cuộc sống khó khăn, thiếu thốn khi đến nơi ở mới, nên chỉ vài tháng sau các hộ dân này lần lượt tìm cách rời bỏ khu tái định cư chuyển về lại nơi ở cũ.
Theo đại diện UBND xã Đăk Pék cho biết, nhiều năm nay chính quyền xã và UBND huyện Đăk Glei đã nhiều lần tổ chức họp dân ở thôn Đăk Đoát để tìm giải pháp đưa người dân đến khu tái định cư ở cho an toàn trong mùa mưa bão nhưng đều không có kết quả. Bởi người dân cho rằng, nơi đây đi làm rẫy xa, nước sinh hoạt và điện thắp sáng không đảm bảo cùng một số bất tiện khác trong cuộc sống, sinh hoạt mà huyện không thể đáp ứng được theo nhu cầu tối thiểu của dân.
Thật xót xa khi tất cả các ngôi nhà tại đây xuống cấp trầm trọng
Cũng theo vị đại diện cho UBND xã Đắk Pét, mỗi hộ di dời chỉ được hỗ trợ 20 triệu đồng tiền xây nhà, nhưng hầu hết người dân đều có hoàn cảnh khó khăn, nên ai cũng xây nhà bằng đúng số tiền được hỗ trợ. Nhà cửa xây tạm bợ, đơn giản, chỉ sau thời gian là xuống cấp, hư hỏng.Nhiều ngôi nhà hiện không còn cửa và không còn mái để che mưa nắng, nhiều nhà hoang tàn đổ nát. Trong cơn bão số 9 vừa qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đăk Pék có nhà cửa bị sạt lở đất, nước lũ nhấn chìm. Vì vậy, xã Đăk Pék rất mong các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm và có phương án hỗ trợ để đưa người dân đến khu vực an toàn để ổn định và phát triển.
Từ những vấn đề trên, người dân nơi đây mong muốn các cơ quan chức năng huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum cần tìm ra nguyên nhân vì sao khu tái định cư này không phát huy hiệu quả. Từ đó, có biện pháp khắc phục, đưa vào sử dụng, kể cả đẩy mạnh tuyên truyền vận động để người dân an tâm đến nơi ở mới.
Sau đây là những hình ảnh PV Pháp luật Plus ghi nhận tại hiện trường.
Những căn nhà bị bỏ hoang nhiều năm nay
Một khu tái định cư khang trang, ngăn nắp, quy hoạch tốn nhiều tỉ đồng của nhà nước đang bị bỏ hoang xuống cấp theo thời gian.
Các cánh cửa bắng sắt, mái tôn bị kẻ gian lấy đi về sử dụng gia đình hoặc bán sắt vụn
Sân thể thao hay dùng để sinh hoạt cộng đồng cỏ mọc, trụ cột cờ bị đập vỡ
trụ bơm nước trơ khung, cỏ mọc đang bị xuống cấp nghiêm trọng
Đường nội bộ chỉ dùng nứt toác, xuống cấp.
một cảnh tượng hoang phế, đau xót.
Nhìn cảnh tượng này chúng tôi lại nghĩ đến những gia đình trên nương, rẫy cũng chính tại huyện Đắk Glei này chưa có căn nhà xây đẹp, sạch sẽ để ở. Nhưng ở đây hơn 30 căn nhà ngốn hơn 30 tỷ tiền ngân sách đang bị bỏ hoang. một cảnh tượng thật đau lòng.
Ngọc Anh
Nguồn Pháp Luật Plus : https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/kon-tum-khu-tai-dinh-cu-dau-tu-30-ty-dong-bi-bo-hoang-d161945.html
0 Comments
Post a Comment