Ai cũng biết Ngọc Linh là dãy núi có loài sâm ‘Quốc bảo’ nhưng hiếm ai biết nơi đây có ngôi làng trường thọ với nhiều cụ hơn 100 mùa rẫy (hơn 100 tuổi). Họ sống rất đoàn kết, bảo vệ cánh rừng bạt ngàn để trồng sâm Ngọc Linh…

Ông A Thống

Tìm suối trường thọ

Nhiều lần đặt chân đến núi Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum. Vượt hàng trăm cây số, tôi chỉ được nghe mọi người kể chuyện trồng sâm, song sự trở lại lần này có sự khác biệt hơn bởi câu chuyện thú vị về ngôi làng “trường thọ”. Cảm xúc lần này đặc biệt hơn mọi lần do quãng đường đi còn có sự hồi hộp, vội vã để sớm gặp những người bạn Xê Đăng hiền hậu, chất phác.

Làng Tu Thó (xã Tê Xăng) nằm ở lưng chừng núi Ngọc Linh, chỉ với hơn 100 nóc nhà. Đây là ngôi làng nhỏ có nhiều người trường thọ nhất huyện Tu Mơ Rông, trong đó có 4 cụ hơn 100 tuổi, 4 người hơn 90 tuổi, và rất nhiều người trên 70. Để có được sự trường thọ, người dân Xê Đăng tin rằng, nhờ uống nguồn nước con suối ở trong làng mang tên suối Đắng.

Bà Y Bốt đi chăn trâu

Chiều muộn ngày cuối tháng 6, cơn mưa rừng bất chợt xuất hiện, người dân Xê Đăng vội vã trở về nhà trú mưa sau một ngày quần quật trên nương rẫy. Nhưng trước căn nhà sàn, già làng A Thống nay đã 100 tuổi, vẫn cố gắng cuốc xong đám cỏ ngô hơn một sào của gia đình. Trông ông vẫn khỏe, cơ bắp cuồn cuộn chẳng thua gì đám thanh niên trong làng.

“Chẳng biết sao cái chân, bắp tay mình lại khỏe như thế? Không biết đó có phải do cả làng đều uống nước suối Đắng chảy từ dãy núi Ngọc Linh. Từ trước đến giờ, tôi thấy mình khỏe lắm, được làm cách mạng khi 25 tuổi. Mỗi lần đi gùi gạo, vũ khí lên khu căn cứ cách mạng cách làng chừng 10 km đều cột bình nước suối Đắng là có sức đi không cần nghỉ”, ông A Thống bảo.

Một góc xã Măng Ri từ trên cao

Theo già làng A Thống, suối Đắng có nước chảy ra từ mạch ngầm trong núi, không chỉ cung cấp nước cho dân làng sinh hoạt mà còn tưới mát cho ruộng lúa tốt tươi. Dòng suối chưa bao giờ cạn. Ngày trước nước có vị đắng, uống vào lát sau sẽ dịu ngọt ở cuối vòm họng như vị của sâm Ngọc Linh nhưng giờ không còn vị ấy nữa. Già A Thống giải thích rằng suối có vị đắng do trên núi thời điểm đó có rất nhiều sâm Ngọc Linh, chính thế mà mỗi khi trẻ con trong làng bị đau bụng ra uống nước suối sẽ khỏi.

Ông A Chung chăm sóc sâm Ngọc Linh

Những ngôi nhà của người dân làng Tu Thó được dựng lên dọc triền núi. Nổi tiếng trong làng về sức khỏe còn có bà Y Bốt. Hỏi về tuổi, bà Y Bốt chỉ chau mày nói “100 mùa rẫy rồi, chỉ nhớ có 4 người con đứa lớn hơn 60 tuổi, còn cháu chắt thì nhiều lắm không đếm được. Giờ chỉ nhớ mỗi sáng đưa 5 con trâu lên núi cho nó đi ăn giúp mấy đứa con mình thôi”.

Ấm no dưới đỉnh Ngọc Linh

Đi qua xã Tê Xăng sẽ tới xã Măng Ri, nơi trồng nhiều sâm Ngọc Linh nhất huyện Tu Mơ Rông. Người dân nơi đây kể lại, ngày xưa, một ký (kg) sâm Ngọc Linh chỉ đổi được vài lon gạo, người dân phơi khô để sắc nước uống, hoặc ngâm rượu uống chữa đau lưng. Nghe xong ai cũng xuýt xoa vì bây giờ mỗi ký sâm 7 năm tuổi có giá thị trường khoảng 200 triệu đồng. Cuộc sống của người dân nơi đây đang đầy đủ, sung túc hơn nhờ vào sâm Ngọc Linh và cây dược liệu. Tu Mơ Rông có 11 xã, trong đó 7 xã được quy hoạch trồng sâm Ngọc Linh và cây dược liệu, riêng xã Măng Ri có diện tích sâm Ngọc Linh lớn nhất với hơn 90%.

Ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, huyện có hơn 600 ha sâm Ngọc Linh, chủ yếu ở các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây… Hiện nay, một số doanh nghiệp tham gia chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm đặc hữu có giá trị sử dụng và hiệu quả kinh tế cao từ cây sâm Ngọc Linh. Ông Mạnh nói sẽ tạo mọi điều kiện để người dân nơi đây phát triển kinh tế nhờ cây dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh, để người dân làm giàu chính đáng trên mảnh đất này.

Dẫn chúng tôi lên vườn sâm Ngọc Linh cách trụ sở UBND xã Măng Ri khoảng 5km, A Chung (SN 1981, tổ trưởng tổ liên kết số 4, 5) đi và giới thiệu những cây thông rừng vừa được ông trồng vào khoảnh đất trống. Quanh căn nhà sàn nơi ông Chung ở cùng 5 người khác để chăm sóc, bảo vệ sâm Ngọc Linh được bao quanh bởi những cây cổ thụ khổng lồ vài người ôm. Ông Chung hiện đã trồng được hơn 1,5 nghìn cây sâm Ngọc Linh từ 1 đến 5 năm tuổi. Ông nói rằng củ phải 7 năm tuổi trở lên mới bán được, giờ chỉ đợi hàng năm sâm cho hạt sẽ ươm và bán mỗi cây giống giá 300 nghìn đồng. “Ngày trước đất ít, mỗi năm thu được vài bao lúa thôi, vừa rồi mình bán được hơn 200 cây sâm Ngọc Linh giống, giờ tiền cho 3 đứa con đi học không phải lo nữa. Đấy là chưa kể việc thu mật ong rừng ở những hốc cây cổ thụ đấy. Nhà báo yên tâm, mình lấy mật ong nhưng không đốt rừng đâu, chỉ xin đàn ong cho vài cái sáp thôi. Lấy xong mình lại đậy tổ của nó lại. Ong với rừng sâm Ngọc Linh là bạn mà, mình lấy để nó bỏ tổ thì tối về không ngủ được đâu”, ông Chung nói và nhanh nhảu vào một hốc cây lấy một sáp ong đãi khách. Mật ong vùng này có vị đắng, nuốt vào sẽ ngọt ở cổ họng.

Thấy một củ sâm hở lên mặt đất, ông Chung chạy ra lấy dao gõ mấy cái vào thân cây mục, vốc một nắm mùn đến phủ kín lên. Trong lúc đi thăm vườn sâm, một chùm quả sâm bị chuột ăn rớt xuống đất ông Chung ngồi xuống nhặt lên, than thở, chùm hoa này nếu ươm lên sẽ có 6 triệu đồng tiền cây giống.

Ông chia sẻ, trồng sâm Ngọc Linh rất khó, bởi sâm chỉ sống với mùn gỗ được lấy ở các khe suối và mùn phải khô. Vấn đề bây giờ là chống trộm. Sợ nhất vẫn là việc đối phó với bầy chuột, bầy sóc phá hoại. Ông Chung bộc bạch: “Ai lạ vào vùng này chúng tôi biết hết, dù đi bẫy chim hay làm gì chúng tôi đều giữ lại, đưa về xã rồi tính. Ngay cả chúng tôi là người trồng sâm nhưng muốn bán củ nào cũng phải họp cả tổ, sau đó tất cả đi cùng đến vườn sâm chứng kiến mới được nhổ củ đó. Họ sợ lấy sâm của nhau mà”.

TIỀN LÊ

Nguồn Báo Tiền Phong : https://tienphong.vn/bi-an-duoi-dinh-ngoc-linh-post1352392.tpo