Giá tiêu hôm nay 19/7 trong khoảng 72.500 – 75.500 đồng/kg. Tháng 6/2021, sản lượng tiêu xuất khẩu đã đạt 16.764 tấn, cao hơn hẳn so với các tháng trước đó và cao nhất so với cùng kỳ những năm trước.

Giá tiêu hôm nay 19/7: Cuộc chơi giành cho kẻ mạnh, đủ sức găm hàng chờ giá lên 100.000 đồng/kg?

Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 73.500 đồng/kg.

Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 72.500 đồng/kg.

Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 73.000 đồng/kg.

Tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 75.500 đồng/kg.

Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 74.500 đồng/kg. Sáng nay giá tiêu trong nước tiếp tục đi ngang so với cùng thời điểm sáng hôm qua.

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi – Ấn Độ tăng 33,35 rupee/tạ, ở mức 42.000 rupee/tạ. Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 15/7/2021 đến ngày 21/7/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 311,13 VND/INR.

Thị trường nội địa đang có chuỗi ngày đi ngang về giá, và gặp khó khăn lớn khi 19 tỉnh thành phía Nam đồng loạt áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ hôm nay. Tháng 6/2021, sản lượng tiêu xuất khẩu đã đạt 16.764 tấn, cao hơn hẳn so với các tháng trước đó và cao nhất so với cùng kỳ những năm trước.

Trong bài phân tích mới đây trên báo Biên Phòng, tác giả Phương Tú nhận định: Thực tế, ngoài lượng hồ tiêu đã xuất khẩu, sản lượng tiêu tích trữ trong dân đến nay vẫn còn tương đối. Đây là số hồ tiêu được những hộ trồng tiêu có sản lượng cao, các đại lý lớn, những người có điều kiện và am hiểu về thị trường đầu cơ, mua gom tích trữ từ mấy năm trước và đầu vụ thu hoạch năm nay.

Vậy nhưng, với giá tiêu như hiện nay, trừ những người vay tiền nóng, lãi cao, hay những nông dân cần bán để chi tiêu, trả tiền phân bón… buộc phải “đẩy” tiêu đi. Còn lại, rất ít người có tiêu muốn bán. Bởi lẽ, giá 74.000 – 76.000 đồng/kg như hiện tại tuy có tăng so với thời điểm năm 2019 – 2020, nhưng so với chi phí đầu tư, công sức phải bỏ ra để trồng tiêu thì mức giá này mới chỉ đủ để người trồng tiêu chống lỗ, chứ chưa có lãi. Với các đại lý, nhà đầu cơ thì giá này là chưa “thỏa mãn” lợi nhuận mà họ kỳ vọng, nên việc “nhả hàng” ra lúc này không phải là lựa chọn của nhiều người.

Bài viết dẫn nhận định của ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê: “Năm 2020 – 2021 là năm giá tiêu chạm đáy và bắt đầu một chu kỳ lên giá mới. Đến cuối năm nay và các năm tiếp theo, giá tiêu sẽ tốt dần lên và khả năng đến cuối năm, giá sẽ đạt từ 90.000 đến 100.000 đồng/kg”.

Lý giải cho nhận định này, ông Bính thông tin, mấy năm vừa qua, sản lượng hồ tiêu đạt khá, nguồn cung dồi dào, giá thấp nên nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã mua tích trữ, thời gian ngắn nữa, số tiêu tích trữ này sẽ tiêu thụ hết.

Khi đó, nhu cầu về tiêu mới lộ rõ và Việt Nam sẽ là thị trường mà các doanh nghiệp này nhắm tới, bởi Việt Nam là quốc gia đang cung gần 60% lượng hàng nguyên liệu hồ tiêu cho thế giới. Nhất là trong điều kiện Brazil, Indonesia cũng đang rơi vào tình trạng sản lượng tiêu thu hoạch giảm do mất mùa.

Kết thúc bài viết, tác giả nhận định, giá tiêu đang theo chiều hướng tăng lên, tiếc rằng, không có nhiều người trồng tiêu có đủ tiền và đủ tầm nhìn xa để tích trữ. Và “cuộc chơi” với hồ tiêu lúc này thu hẹp hơn, trở thành “cuộc chơi” của những người có điều kiện, đủ lực để bình tĩnh chờ đợi, với hi vọng giá tiêu có thể tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với hiện nay.

Văn Thanh

Nguồn Báo Kinh Tế Đô Thị : http://kinhtedothi.vn/gia-tieu-hom-nay-197-cuoc-choi-gianh-cho-ke-manh-du-suc-gam-hang-cho-gia-len-100000-dongkg-427613.html