Dưới đây là 8 ứng dụng nguy hiểm bạn nên gỡ cài đặt ngay lập tức để tránh bị mất cắp dữ liệu, mật khẩu… và các tài khoản quan trọng.

Dạo gần đây, các nhà nghiên cứu bảo mật liên tục phát hiện các ứng dụng trên Google Play bị nhiễm phần mềm độc hại, được thiết kế để đánh cắp dữ liệu cá nhân, theo dõi… và tự động đăng ký các dịch vụ trả phí mà không cần sự tương tác của người dùng.

Dưới đây là 8 loại ứng dụng có thể lây nhiễm phần mềm độc hại cho điện thoại, thậm chí “qua mặt” tính năng xác thực hai yếu tố.

1. Các phần mềm nghe nhạc

Đa số các mẫu smartphone hiện nay đều được tích hợp sẵn phần mềm nghe nhạc, hoạt động tốt và tương thích với hầu hết các định âm thanh hiện nay. Do đó, không có lý do gì để chúng ta phải cài đặt một phần mềm nghe nhạc của bên thứ ba.

Việc cài đặt các phần mềm nghe nhạc không rõ nguồn gốc có thể tạo ra những lỗ hổng bảo mật trên điện thoại. Đơn cử như các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra AlienBot, một loại trojan ngân hàng tồn tại bên trong phần mềm nghe nhạc BeatPlayer và Music Player.

2. Trình duyệt ít được nhiều người biết đến

Trình duyệt là nơi mà người dùng chia sẻ nhiều thông tin riêng tư quan trọng, từ tên đăng nhập, mật khẩu… cho tới thói quen lướt web. Theo Android Headlines, việc sử dụng các trình duyệt ít được nhiều người biết đến có thể khiến bạn bị vi phạm quyền riêng tư nghiêm trọng.

3. VPN miễn phí

Phần mềm VPN (mạng riêng ảo) đã trở thành một công cụ bảo mật thiết yếu trong đời sống hiện nay. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi phần mềm VPN đều thật sự hữu ích, đặc biệt là những phần mềm miễn phí.

Những nhà phát triển thường tuyên bố cung cấp phần mềm VPN miễn phí, nhưng họ sẽ kiếm tiền bằng cách bán dữ liệu người dùng. Một số khác sẽ cho phép bạn dùng thử 3-7 ngày, sau khi hết thời gian sẽ tự động đăng ký các gói dịch vụ trả phí lên đến 9,99 USD/tuần.

Dưới đây là một số ứng dụng VPN mà bạn nên tránh sử dụng, bao gồm SuperVPN, Pacific VPN, Buckler VPN, Hat VPN và Beetle VPN.

4. Phần mềm ghi âm

Tương tự như các phần mềm nghe nhạc, hầu hết smartphone đều được cài đặt sẵn phần mềm ghi âm chất lượng cao. Qrecorder, một phần mềm ghi âm của bên thứ ba đã bị phát hiện tích hợp thêm trojan AlienBot.

5. Phần mềm tăng tốc điện thoại

Hầu hết các phần mềm tăng tốc, làm sạch file rác trên điện thoại thường gây hại nhiều hơn so với những lợi ích mà chúng mang lại. Super Clean của Magical Dev, Cleanit và Virus Cleaner (Antivirus Free & Phone Cleaner) đều bị phát hiện là có hại.

6. Phần mềm tăng RAM

Bất kỳ phần mềm nào tuyên bố có thể tăng RAM điện thoại chắc chắn đều là phần mềm độc hại.

7. Các phần mềm chống virus không xác định

Nếu không chắc chắn về những ứng dụng bạn tải xuống hoặc các liên kết bạn nhấp vào, bạn có thể cài đặt phần mềm diệt virus để ngăn chặn các hoạt động đáng ngờ ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, giống như bất kỳ ứng dụng nào khác, phần mềm diệt virus cũng sẽ tiêu thụ tài nguyên và ngốn pin của điện thoại.

Bên cạnh đó, không phải mọi phần mềm diệt virus đều hoạt động đúng như quảng cáo. Vào năm 2019, một cuộc khảo sát của AV-Comparatives cho thấy có khá nhiều phần mềm diệt virus không phát hiện được phần mềm độc hại trên điện thoại. Các phần mềm này chỉ hiển thị một thanh tiến trình quét virus, nhưng thực chất chúng không có tác dụng.

8. Phần mềm phát hiện nói dối

Điện thoại không thể đóng vai trò như một chiếc máy phát hiện nói dối. Nó không có khả năng đó và cũng không có phần mềm nào có thể bổ sung tính năng phát hiện nói dối cho điện thoại. Giống như các phần mềm tăng RAM, bạn tuyệt đối không bao giờ cài đặt những phần mềm dạng này.

TIỂU MINH

Nguồn Báo Pháp Luật TP.HCM - Chuyên Trang Kỷ Nguyên Số : https://kynguyenso.plo.vn/ky-nguyen-so/cong-nghe/8-ung-dung-nguy-hiem-ban-nen-go-cai-dat-ngay-lap-tuc-1002685.html