Thời điểm cận Tết, trong khi người trồng ca cao phấn khởi được bao tiêu sản phẩm giá cao, thì nông dân trồng chuối lại phập phồng lo đầu ra…
Phấn khởi ca cao bao tiêu
Những ngày cuối năm, ở nhiều vùng trồng cao cao ở Đồng Nai, nông dân đang hào hứng bước vào vụ thu hoạch để cung ứng cho các đơn vị thu mua xuất khẩu. Chúng tôi ghé thăm các vườn trồng ca cao huyện Định Quán khi địa phương này vừa thu hoạch dứt vụ ca cao cách nay ít ngày.
Nhiều nông dân đang hào hứng thu hoạch ca cao để cung ứng cho các đơn vị xuất khẩu. Ảnh: MS.
Nông dân trồng ca cao Phạm Văn Cường, ở xã Ngọc Định, huyện Định Quán cho biết, vườn ca cao hơn 2,2 ha của gia đình ông vừa thu hoạch cho sản lượng cao hơn mọi năm, đạt khoảng trên 40 tấn, trong khi năm ngoái chỉ là 35 tấn. “Ca cao thu hoạch xong cân bán trái tươi cho công ty bao tiêu ngay tại vườn. Trong khi một số loại cây trái khác bị ảnh hưởng thị trường do dịch Covid thì ca cao vẫn được ký hợp đồng bao tiêu với giá cao, bà con rất phấn khởi”, ông Cường nói.
Cùng vào vụ thu hoạch, nhiều nông dân trồng ca cao trong dự án cánh đồng lớn tại xã Gia Canh cũng vừa thu hoạch cho sản lượng khá cao. Đặc biệt, vài năm gần đây nhiều hộ dân khi thấy lợi ích trồng cây ca cao nên đã dần chuyển đổi mô hình trồng ca cao xen canh. Ông Đoàn Minh Tuấn, Phó giám đốc HTX Ca cao Định Quán chia sẻ: “Tuy không cho thu nhập quá cao như một số loại trái cây khác, nhưng đối với nông dân trước đây trồng một số loại cây kém hiệu quả và bấp bênh như tiêu, cà phê thì cây ca cao đã giúp bà con ổn định hơn”.
Theo ông Tuấn, thời điểm năm 2014 mới chỉ có 18 hộ trồng ca cao nhưng nay đã tăng lên 43 hộ đều tham gia trong dự án cánh đồng lớn. Cây ca cao càng lâu năm thì cho năng suất càng cao vì cây khỏe, ít sâu bệnh và nếu có bệnh cũng dễ xử lý hơn những loại cây trồng khác. Đồng thời, HTX cũng luôn sát cánh cùng bà con để theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên chất lượng cây khá ổn định.
Sản phẩm ca cao chất lượng được tiêu thụ tốt ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Ảnh: MS.
Nhờ sự ổn định về giá cả và năng suất cây trồng nên những năm gần đây người trồng ca cao yên tâm sản xuất, hơn nữa đầu ra được doanh nghiệp (DN) địa phương bao tiêu thu mua với giá cao. Sản phẩm ca cao chất lượng được tiêu thụ tốt hơn ở thị trường nội địa và xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, đồng thời là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Ông Đặng Trường Khanh, Giám đốc công ty TNHH ca cao Trọng Đức cho biết: “Nhiều năm qua công ty luôn bao tiêu đầu ra sản phẩm ca cao cho nông dân. Vụ thu hoạch vừa qua chúng tôi đã thu mua tại vườn của bà con được trên 4.000 tấn ca cao trái tươi, với giá 6.200 đồng/kg, cao hơn giá thị trường gần 2.000 đồng/kg trái tươi. Thu nhập thực tế của nông dân trồng ca cao đạt từ 130 -140 triệu đồng/ha/năm và khá ổn định”. Theo ông Khanh, với sự hỗ trợ kỹ thuật của công ty trồng theo quy trình UTZ cho năng suất ca cao bình quân đạt từ 25 -32 kg trái tươi/cây, dự kiến trong năm tới diện tích ca cao sẽ còn tăng khoảng 30% thay thế cho cây tiêu hay cà phê bấp bênh đầu ra.
Phập phồng giá chuối
Không chỉ ca cao, hiện các địa phương trồng chuối trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng bắt đầu vào vụ thu hoạch chuối lớn nhất trong năm. Trong năm qua, diện tích chuối tăng nhanh trong khi đầu ra gặp khó khăn hơn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến nông dân trồng chuối lo lắng.
Năm nay thị trường khó lường hơn nên nhiều nông dân đã phải bán mão từ thời điểm cây chuối còn nhỏ hoặc mới trổ buồng vì e ngại rủi ro cao. Ảnh: MS.
Hiện các cơ sở chế biến chuối chiên, chuối sấy đang vào mùa sản xuất hàng tết, đây cũng là thời điểm thị trường tiêu thụ chuối trong nước thường sôi động nhất trong năm. Tuy nhiên, vụ thu hoạch năm nay, giá chuối giảm sâu khiến nông dân đang gặp khó khăn. Ông Vũ Đình Việt, nông dân trồng chuối ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất than vãn: “Mặc dù diện tích chuối cau, chuối bơm không còn mấy nhưng hiện giá bán của các loại chuối truyền thống lại thấp hơn nhiều so với cùng kỳ mọi năm. Nguyên nhân giá giảm sâu vì nhiều xưởng chế biến ở địa phương gặp khó khăn trong tiêu thụ nên chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí có xưởng đã ngưng hoạt động”.
Ghi nhận thực tế, chuối hiện được thương lái thu mua tại vườn với giá từ 2.000 -2.500 đồng/kg, chuối cau loại tuyển cũng chỉ được 5.000 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với thời điểm thị trường xuất khẩu tốt (từ 10.000 – 15.000 đồng/kg) và thấp hơn giá thành sản xuất khiến người trồng chuối đang đối mặt với tình trạng thua lỗ.
Hiện thị trường chuối phía Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc, do ảnh hưởng dịch Covid – 19, các mối lái “ăn hàng” cũng rất chậm. Do vậy, tìm kiếm thị trường mới đang được các nhà thu mua mạnh dạn chuyển hướng.
Thị trường Trung Quốc “ăn hàng” chậm do Covid-19 khiến các đơn vị thu mua phải tìm kiếm thêm thị trường mới. Ảnh: MS.
Chị Huyền Thanh, chủ trang trại chuối già chất lượng cao tại ấp 6, xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc chia sẻ: “Trang trại của tôi trồng được 10 ha chuối già đang vào độ thu hoạch, cho sản lượng khoảng 550 tấn/vụ. Dịp này tôi đang tuyển chọn đóng 20 tấn chuối để chuẩn bị chào hàng bên thị trường Nhật Bản nhằm tìm mối xuất khẩu mới. Nếu lô hàng đầu tiên suôn sẻ thì dự kiến đầu năm mới 2021 tôi sẽ đóng hàng chuối xuất tiếp”.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có trên 10.000 ha chuối, tăng cả ngàn ha so với cùng kỳ năm ngoái. Trảng Bom là “thủ phủ” trồng chuối của Đồng Nai với diện tích trên 4.000 ha. Hiện các địa phương đang chuyển đổi rất mạnh từ cây trồng kém hiệu quả sang trồng chuối, chủ yếu là giống chuối già cấy mô xuất khẩu. Tuy nhiên, năm nay thị trường khó lường hơn nên có nhiều nông dân đã chấp nhận lợi nhuận ít, bán mão từ thời điểm cây chuối còn nhỏ hoặc mới trổ buồng cho thương lái chứ không chờ thu hoạch vì e ngại rủi ro cao. Còn lại đa số nông dân trồng chuối khác vẫn đang thấp thỏm chờ những ngày cuối năm chuối xuất khẩu vào đợt cao điểm với kỳ vọng giá chuối sẽ tăng cao như mọi năm…
“Nhằm phát triển sản phẩm ca cao bảo đảm chất lượng và đa dạng về chủng loại, mẫu mã, Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức đang phát triển thêm vùng nguyên liệu tại một số tỉnh, thành khác như: Bình Thuận, BR-VT, Gia Lai… với tổng diện tích trên 1.100 ha ca cao; riêng Đồng Nai 812 ha (trong đó có 700 ha ca cao nằm trong cách đồng lớn).
Nhằm xây dựng chuỗi liên kết, cánh đồng lớn ca cao, ngoài việc hỗ trợ giống cây, Công ty còn đứng ra bảo lãnh cho nông dân được mua phân bón ca cao thiếu với doanh nghiệp sản xuất, đồng thời thu mua ca cao trái với giá tốt”, ông Đặng Trường Khanh nói.
Minh Sáng
Nguồn Báo Nông nghiệp : https://nongnghiep.vn/nguoi-trong-ca-cao-vui-don-tet-nguoi-trong-chuoi-phap-phong-d280749.html
0 Comments
Post a Comment