Gia Lai có tiềm năng đất đai rộng lớn cùng nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió. Thời gian qua, tỉnh đã có những chính sách, giải pháp cụ thể, tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các dự án điện gió.

Tiềm năng dồi dào

Qua khảo sát đo gió sơ bộ tại một số vị trí và dữ liệu được thu thập, lưu trữ của Ngân hàng Thế giới, Gia Lai có 4 khu vực lượng gió mạnh và không có sự chênh lệch nhiều giữa các tháng trong năm với tốc độ trung bình trên 6,3 m/s. Theo đó, tiềm năng phát triển các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh có thể đạt quy mô công suất khoảng 11.950 MW.

Trong đó, khu vực phía Đông tỉnh gồm các huyện: Mang Yang, Đak Pơ, Kông Chro, Kbang và thị xã An Khê khoảng 3.800 MW; khu vực phía Đông Nam tỉnh gồm các huyện: Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa khoảng 1.300 MW; khu vực phía Tây tỉnh gồm các huyện: Chư Prông, Đức Cơ, Chư Sê, Chư Pưh và Đak Đoa khoảng 6.350 MW; khu vực gần TP. Pleiku khoảng 500 MW.

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Cuối tháng 11-2019, tại xã Ia Phìn (huyện Chư Prông), Tập đoàn HBRE phối hợp cùng Tập đoàn Super Energy Corporation (Thái Lan) tổ chức lễ động thổ giai đoạn 1 dự án Trang trại Phong điện HBRE Chư Prông. Dự án Trang trại Phong điện HBRE Chư Prông giai đoạn 1 có công suất 50 MW, dự kiến tháng 12-2020 bắt đầu phát điện và hòa lưới. Đây là dự án điện gió đầu tiên được triển khai tại Gia Lai, mở ra triển vọng mới cho địa phương trong việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo.

Cùng với đó, nhiều nhà đầu tư đã đến Gia Lai để khảo sát và xin chủ trương phê duyệt đầu tư các dự án nhà máy điện gió. Hiện UBND tỉnh đã cấp quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư cho 14 dự án ở các huyện: Kông Chro, Chư Pưh, Ia Grai, Chư Prông, Đak Đoa và thị xã An Khê với tổng công suất 1.042 MW.

Lễ động thổ giai đoạn 1 dự án Trang trại Phong điện HBRE Chư Prông. Ảnh: Ngọc Sang

Kông Chro là một trong những địa phương có tiềm năng rất lớn để phát triển điện gió. Ông Nguyễn Ngọc Sơn-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Kông Chro-cho hay: Trên địa bàn huyện có 2 dự án gồm: Nhà máy Điện gió Yang Trung có công suất thiết kế 145 MW và Nhà máy Điện gió Chơ Long công suất thiết kế 155 MW vừa được UBND tỉnh cấp quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư.

Cả 2 dự án có vốn đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng sẽ được khởi công vào tháng 1-2021, dự kiến đến tháng 10-2021 đưa vào vận hành thương mại. Khi đi vào hoạt động, 2 nhà máy sẽ cung cấp sản lượng điện thương phẩm cho lưới điện quốc gia hơn 1 triệu MWh/năm. Ngoài ra, địa phương còn có 5 dự án nhà máy điện gió đang được các nhà đầu tư khảo sát, lập phương án, tiến hành các thủ tục để triển khai.

Tương tự, tại huyện Chư Pưh, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 2 dự án nhà máy điện gió. Ông Nguyễn Tuấn Hiệp-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Chư Pưh-cho biết: Dự án Nhà máy Điện gió Ia Le 1 (xã Ia Le) do Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển điện gió Cao Nguyên 1 làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư 4.021 tỷ đồng, công suất 100 MW; dự kiến vận hành thương mại vào tháng 11-2021.

Dự án Nhà máy Điện gió Nhơn Hòa 2 có tổng mức đầu tư 1.462 tỷ đồng, công suất 50 MW, dự kiến vận hành vào tháng 10-2021. Cả 2 dự án trên đều được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực trong tháng 6-2020.

Bên cạnh nhiều tiềm năng để phát triển điện gió, Gia Lai còn có thế mạnh về hệ thống giao thông tương đối phủ kín, các nơi lắp đặt tua-bin lại nằm gần đường giao thông và gần những điểm đấu nối lên lưới điện quốc gia. Những nơi này đều có địa hình tương đối bằng phẳng, rất thích hợp cho việc thi công lắp đặt tua-bin. Ngoài ra, Gia Lai là một trong những nút lớn của cả nước về hệ thống điện quốc gia tập trung các cấp điện áp từ 500 kV trở xuống.

Theo Giám đốc Sở Công thương, hiện trên địa bàn tỉnh có 2 trạm biến áp 500 kV, 14 trạm biến áp 220 kV, 9 suất tuyến 500 kV, 12 suất tuyến 220 kV, 17 suất tuyến 110 kV… Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có 4 suất tuyến 500 kV truyền tải điện vào miền Nam. Do vậy, Gia Lai là tỉnh có khả năng giải phóng công suất tốt nhất hiện nay trên cả nước cho các dự án điện năng lượng. Đó cũng là nguyên nhân Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt thêm 14 dự án điện gió ở Gia Lai bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực cả nước.

Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư

Ông Trần Hưng Nghiệp-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Đak Đoa-cho biết: Trên địa bàn huyện có 3 dự án nhà máy điện gió được UBND tỉnh quyết định phê duyệt danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh giai đoạn 2020-2021. Hiện nay, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam đang tiến hành khảo sát đợt 2 để triển khai xây dựng nhà máy điện gió ở xã Trang.

Đây là tín hiệu vui khi có nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội hợp tác và triển khai thực hiện, sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Trong quá trình doanh nghiệp thu thập thông tin, UBND huyện đã có văn bản yêu cầu các xã phối hợp và tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư sớm hoàn thành công tác khảo sát địa hình, địa chất tại những khu vực dự kiến xây dựng nhà máy.

Có thể thấy điện gió được xem là phương án tối ưu trong phát triển năng lượng sạch bởi không tác động xấu đến môi trường sinh thái, nguồn nước và phát sinh khí thải. Ngoài ra, khai thác năng lượng điện gió được xem là một trong những giải pháp thiết thực nâng cao đời sống người dân trong các vùng dự án.

Nhằm thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm kêu gọi các nhà đầu tư tiến hành khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch và triển khai đầu tư các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn. Đồng thời, giao Sở Công thương chủ trì, cùng các sở, ngành, địa phương hỗ trợ tối đa theo quy định, tháo gỡ khó khăn giúp nhà đầu tư đẩy nhanh quá trình triển khai dự án.

Huyện Kông Chro có tiềm năng rất lớn để phát triển các dự án điện gió. Ảnh: Ngọc Sang

Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Binh cho rằng: Với những kết quả tích cực ban đầu, Gia Lai đang có các bước khởi đầu ổn định trong việc phát triển bền vững từ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Các nhà máy điện gió đi vào hoạt động sẽ góp phần rất lớn trong tạo việc làm cho lao động địa phương và kết nối phát triển thương mại-dịch vụ và du lịch. Chính vì vậy, để có được lộ trình đầu tư phát triển đúng hướng cho năng lượng điện gió trên địa bàn tỉnh, các cấp, các ngành tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư trong việc tiến hành các thủ tục liên quan đến dự án.

“Phát triển năng lượng tái tạo là một trong những chủ trương trọng tâm trong định hướng phát triển kinh tế của tỉnh. Do đó, tỉnh luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ nhà đầu tư. Đặc biệt, ưu tiên lựa chọn những nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các dự án cũng như bổ sung vào quy hoạch để quyết định chủ trương đầu tư”-ông Binh thông tin.

Nguồn Báo Gia Lai : https://baogialai.com.vn/channel/1725/202009/gia-lai-tiep-suc-cho-doanh-nghiep-phat-trien-dien-gio-5698781/