Sông Krông Nô (còn gọi là sông Cha) sạt lở nghiêm trọng, khiến nhiều diện tích đất sản xuất bị cuốn trôi, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng ngàn người dân sinh sống dọc bờ sông.
Ngày 30/6, tại tỉnh Đắk Nông, UBND tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội thảo khoa học “Đánh giá thực trạng và các giải pháp chống sạt lở bờ sông Krông Nô khu vực giáp ranh 2 tỉnh Đắk Lắk- Đắk Nông”.
Theo Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Đắk Nông, sông Krông Nô dài gần 190km, chảy qua ba tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, đây cũng là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Đắk Nông- Đắk Lắk.
Dọc hai bên bờ sông là diện tích canh tác của người dân, chủ yếu trồng cây lâu năm và cây hàng năm, đặc biệt là diện tích đất trồng lúa tại Buôn Chóah- vùng trọng điểm lương thực của tỉnh Đắk Nông.
Trong những năm qua, dọc sông Krông Nô ghi nhận 17 điểm sạt lở với chiều dài 10km. Đặc biệt từ năm 2013, tình trạng sạt lở đất dọc sông diễn ra mạnh, cuốn trôi cả trăm ha đất sản xuất của người dân, đe dọa hoạt động của các công trình thủy lợi, gián tiếp ảnh hưởng tới hàng ngàn ha đất sản xuất và cuộc sống của cư dân hai bên bờ.
Theo ngành chức năng, nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động khai thác cát, vận hành thủy điện…
Tỉnh Đắk Nông- Đắk Lắk họp bàn cách cứu dòng sông Krông Nô
Tại buổi hội thảo, PGS.TS Bùi Tá Long, Trường Đại học Bách khoa TP. HCM nhận định, sông Krông Nô là một trong những con sông chính của tỉnh Đắk Nông. Hoạt động và sinh kế của các cư dân xung quanh phụ thuộc sâu sắc vào nguồn tài nguyên cát của dòng sông này. Tình trạng sạt lở, xói mòn thường xuyên trên dòng sông này đã ảnh hưởng trực tiếp đến dòng chảy, hình thái dòng sông cũng như an toàn cư dân.
Phân tích phạm vi, mức độ và nguyên nhân, TS. Long cho rằng, cả hai bên bờ sông đều sạt lở và bồi tụ, song tình trạng xói mòn, sạt lở diễn ra nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân chủ yếu do việc khai thác cát, nhất là tình trạng “cát tặc”, khai thác cát vượt công suất.
Đề xuất giải pháp hạn chế tình trạng sạt lở trên TS Ngô Thị Bích Đào, Công ty tư vấn LAPAT Quốc tế dẫn chứng về bờ kè “mềm” 3 lớp tại sông Thu Bồn, TP. Hội An (Quảng Nam). Từ đó đề xuất Đề án kè sinh thái 3 lớp áp dụng cho sông Kông Nô.
Đề án này thực hiện tận dụng các vật liệu tự nhiên có địa phương với giá thành chi phí hợp lý, tối ưu với điều kiện. Khi hoàn thành, công trình chịu được tác động thiên tai hoặc nhân tai… đặc biệt là tình trạng sạt lở bờ sông do tác động của dòng chảy.
TS Ngô Thị Bích Đào nêu giải pháp bờ kè “mềm” 3 lớp
Cũng tại hội thảo, nhiều chuyên gia về lĩnh vực tài nguyên- môi trường cũng đề xuất việc tìm vật liệu khác thay thế cát sông, từ đó giảm dần việc khai thác cát trên sông Krông Nô. Bên cạnh đó, hai tỉnh Đắk Lắk- Đắk Nông cũng cần có quy chế phối hợp, tăng cường quản lý việc khai thác cát, sỏi; quản lý bến cát và tuần tra, kiểm soát trên sông.
Ông Trương Thanh Tùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, nhiều năm qua đã xử lý hàng trăm vụ khai thác cát trái phép, rút giấy phép nhiều doanh nghiệp thực hiện không đúng theo cấp phép. Tỉnh cũng cắm biển cấm khai thác tại 19 điểm xung yếu để tránh sạt lở thêm.
Công ty thủy điện cũng phối hợp chính quyền địa phương đền bù, thu hồi đất người dân ven bờ đề tạo hành lang. Bên cạnh đó, công ty này cũng hỗ trợ nhiều tỷ đồng để làm kè đá, rọ đã ngăn sạt lở thêm ở những điểm xung yếu, đã sạt nặng…
Nhiều diện tích đất của người dân đã nằm dưới lòng sông
Như Dân trí đã nhiều lần phản ánh, từ năm 2015 đến nay, tình trạng sạt lở dọc hai bên bờ sông Krông Nô, đoạn qua hai tỉnh Đắk Lắk- Đắk Nông diễn ra nghiêm trọng.
Nguyên nhân của tình trạng trên là việc khai thác tràn lan, không đúng quy định kết hợp với thủy điện ở thượng nguồn. Đất đai, nhà cửa của người dân bị cuốn trôi song đến nay cả hai địa phương này vẫn chưa tìm được giải pháp giải quyết triệt để tình trạng trên.
Dương Phong
Nguồn Báo Dân Trí : https://dantri.com.vn/xa-hoi/2-tinh-hop-ban-tim-cach-giai-cuu-song-cha-20200630161547739.htm
0 Comments
Post a Comment