Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức hội nghị các nguyên là cán bộ chủ chốt của tỉnh qua các thời kỳ góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk Hoàng Trọng Hải đóng góp ý kiến vào dự thảo. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Ngày 5/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức hội nghị các nguyên là cán bộ chủ chốt của tỉnh qua các thời kỳ góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tích cực đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, phân tích về chủ đề và phương châm đại hội, kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI; mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của nhiệm kỳ 2020-2025.

Đặc biệt, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết về công tác xây dựng Đảng, xây dựng thế trận lòng dân, công tác cán bộ, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Góp ý về công tác xây dựng Đảng, theo ông Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, trong tình hình hiện nay phải đẩy mạnh công tác chính trị tư tưởng và đấu tranh xây dựng chi bộ, tự phê bình.

Trong công tác xây dựng Đảng, phải lấy công tác chính trị tư tưởng là công tác trung tâm xuyên suốt; đẩy mạnh công tác kiểm tra và phải xử lý nghiêm minh trường hợp sai phạm. Phân công cán bộ theo dõi công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Cán bộ là khâu then chốt của các tổ chức Đảng, do đó đánh giá, bổ nhiệm và đề bạt cán bộ phải là người vừa có đức vừa có tài…

Góp ý nội dung đảm bảo vững chắc quốc phòng-an ninh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn An Vinh cho rằng, Đắk Lắk được xem là địa bàn chiến lược khi ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên. Vì vậy, quốc phòng-an ninh phải được đảm bảo vững chắc, phải giữ vững ổn định chính trị thì sẽ tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội.

Nếu giai đoạn trước, Đắk Lắk ổn định để phát triển thì giai đoạn tiếp theo cần thay đổi theo hướng phát triển để ổn định. Phát triển tốt sẽ tạo điều kiện củng cố ổn định, nâng cao ổn định lên một mức nữa, do đó trong giai đoạn tới cần ưu tiên nguồn lực để phát triển.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã quan tâm hơn tới phần mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp, nhiệm vụ trong giai đoạn 2020-2025, đặc biệt là quan tâm đến 3 trụ cột-4 đột phá phát triển tỉnh Đắk Lắk trong nhiệm kỳ tới. Nhiều ý kiến cho rằng nên làm rõ vai trò trung tâm vùng Tây Nguyên của thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk để phát triển nhanh-mạnh-bền vững; cần chú trọng tới khoa học công nghệ và thành phần kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh cá thể trong việc đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của nhiệm kỳ 2020-2025,…

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Minh Thư cho rằng, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã thật sự là cuộc cách mạng trong các tầng lớp nhân dân. Người dân sẵn sàng hiến đất làm đường, đóng góp ngày công để xây dựng nông thôn mới. Qua 10 năm, diện mạo vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa đã chuyển đổi sâu sắc, hoàn chỉnh.

Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 cần có số liệu cụ thể về chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua, đồng thời xác định được trong thời gian tới, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn và chú trọng xây dựng nông thôn mới ở vùng căn cứ kháng chiến.

Ông Ama H’Oanh (tên thật là Tô Tấn Tài), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk dành sự quan tâm lớn nhất tới lĩnh vực văn hóa-xã hội. Theo ông Ama H’Oanh, tỉnh Đắk Lắk chưa chú ý tới việc khơi dậy và phát huy các di sản văn hóa lịch sử của tỉnh, để từ đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk.

Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk cần chú trọng đúng mức tới giáo dục công dân ở các trường học. Phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên từ trước đến nay là thật thà, đồ của họ, họ để ở rẫy không mất. Tuy nhiên, tình trạng thanh thiếu niên say rượu dẫn đến phạm pháp ngày càng nhiều như hiện nay là điều đáng lo ngại.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường cho biết, những ý kiến đóng góp của các nguyên là lãnh đạo chủ chốt qua các thời kỳ đã thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm và có ý nghĩa quan trọng góp phần vào dự thảo văn kiện của Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Tỉnh Đắk Lắk đang tổ chức Cuộc vận động hiến kế xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh.

Hiện nay, Ban Tổ chức đã nhận được nhiều đề xuất hay, xác đáng của các đồng chí nguyên là cán bộ chủ chốt của tỉnh và của nhân dân trên địa bàn. Những sáng kiến, hiến kế hay, có tính khả thi sẽ được đưa vào văn kiện Đại hội để trên cơ sở đó sẽ tổ chức thực hiện trong nhiệm kỳ tới.

Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 được chuẩn bị từ tháng 8/2019. Dự thảo gồm có chủ đề đại hội, phương châm đại hội và 2 phần chính đánh giá kết quả việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 (kết quả đạt được và nguyên nhân, đánh giá tổng quát và bài học kinh nghiệm), mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhiệm kỳ 2020-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (dự báo tình hình, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, định hướng phát triển và các nhiệm vụ trọng tâm).

Dự thảo chủ đề đại hội theo phương án 1 là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; tập trung phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng-an ninh; xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp, bản sắc, xứng đáng là trung tâm vùng Tây Nguyên; phương án 2 là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững; đảm bảo quốc phòng, an ninh; xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp, bản sắc, xứng đáng là trung tâm vùng Tây Nguyên.

Hoài Thu (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Vietnam+ : http://www.vietnamplus.vn/dak-lak-gop-y-vao-du-thao-van-kien-dai-hoi-dang-bo-tinh-lan-thu-xvii/638570.vnp